Những bài thơ như Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật, Năm anh em trên một chiếc xe tăng của Hữu Thỉnh… một thời đã thành bài ca ra trận cho biết bao thanh niên trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Vậy mới thấy, thơ ca nghệ thuật có sức mạnh vô hình mà lớn lao biết mấy! Chuyện ngày xưa Thạch Sanh cầm đàn thần gảy lên làm quân thù buông rơi vũ khí đầu hàng là chuyện tưởng tượng, mơ ước; nhưng chuyện thời chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chàng trai trẻ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” vì yêu một bài thơ hay, vì ngưỡng mộ hình tượng người lính qua thơ ca là chuyện có thật.
Bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ là một trong những bài thơ hay và đẹp như thế. Thi phẩm ra đời cách đây đúng 50 năm. Thời gian đủ để làm nhiệm vụ thanh lọc, thẩm định và giữ lại những giá trị bền vững. Tại miền Bắc vào năm 1964, khi bài thơ của Nguyễn Mỹ ra đời và được in trên báo Văn Nghệ, nhiều người đã ngạc nhiên thích thú trước vẻ đẹp rất mới của bài thơ. Nguyễn Mỹ có cái tầm của một nhà thơ lớn, cho dù sự nghiệp văn chương để lại còn đang dang dở, chưa có gì nhiều.
Nguyễn Mỹ quê ở An Nghiệp, Tuy An, Phú Yên. Năm 1952 tham gia bộ đội. Năm 1955 tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp lớp báo chí do Bộ Văn hóa mở và làm việc tại nhà xuất bản Phổ Thông, Hà Nội. Năm 1968, Nguyễn Mỹ xung phong vào Nam, được phân công tác ở Ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu V. Nguyễn Mỹ sáng tác ca dao tuyên truyền là chủ yếu ở tại căn cứ địa Trà My, Quảng Nam. Ngày 16/5/1971, trong một lần bị địch càn quét, nhà thơ Nguyễn Mỹ đã hy sinh. 28 tuổi, Nguyễn Mỹ đã làm nên một cuộc chia ly nổi tiếng bằng thơ. 35 tuổi, chính nhà thơ ấy đã phải chia ly vĩnh viễn với thơ và với cuộc đời!
Nhiều người cho rằng Cuộc chia ly màu đỏ được chú ý bởi nó ra đời đúng thời điểm. Vào thời gian này, miền Bắc trở thành hậu phương lớn và đang ra sức chi viện cho miền Nam. Nhiều chàng trai, nhiều người chồng phải xa gia đình, người thân lên đường vào Nam. Nguyễn Mỹ đã bắt nhịp được với không khí của thời cuộc và lên tiếng nói đúng lúc. Điều đó hẳn nhiên có cơ sở. Nhưng nếu đem so với chiều dài của lịch sử dân tộc với biết bao cuộc chinh chiến thì chuyện Nguyễn Mỹ nói là quá thường và quen thuộc. Huống chi chúng ta đã từng có những áng văn chương lớn nói về những cuộc chia ly làm não lòng nhiều thế hệ người đọc Việt Nam. Giọt nước mắt của người chinh phụ như còn đầm đìa trên trang sách Chinh phụ ngâm. Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Chế Lan Viên... cũng có làm thơ nói đến chia ly, tiễn biệt. Thế nhưng "Cuộc chia ly" của Nguyễn Mỹ vẫn là biểu tượng đẹp và khó quên nhất gắn liền với hiện thực thời chống Mỹ.
Cũng có người cho bài thơ độc đáo là do màu sắc rực rỡ của nó. Nguyễn Mỹ đã chọn màu đỏ tươi, chói sáng thay cho màu "xanh ngắt" trong Chinh phụ ngâm; thay cho màu tím "biền biệt" của Hữu Loan. Viết về một cuộc chia ly bịn rịn, lưu luyến giữa chồng với vợ, mà màu đỏ lại vốn chói chang, khó diễn tả tình cảm nhất! Lạ là ở chỗ này. Bài thơ vì vậy mà tươi sáng lạc quan chăng?
Đi qua cuộc chiến tranh kéo dài với rất nhiều cuộc tiễn đưa và những giọt nước mắt, bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ vẫn còn giữ được sức hấp dẫn của nó và được đánh giá là một trong những bài thơ hay của thời kỳ kháng chiến. Có lẽ Nguyễn Mỹ có cơ duyên trong việc làm mới một đề tài vốn đã quá quen thuộc vì vẻ đẹp đặc sắc rất riêng của tác phẩm.
Mở đầu bài thơ giới thiệu cuộc tiễn đưa là màu đỏ và kết thúc bài thơ, người chồng lên đường cũng bằng màu đỏ mang theo. Cả một không gian lộng lẫy: buổi trưa cuối thu, vườn hoa, hàng cây... đều như được tỏa sáng từ màu đỏ trên chiếc áo của người đưa tiễn. Thành công của Nguyễn Mỹ chính là ở chỗ này, vẽ nên được hình ảnh rất đẹp chân thực mà ấn tượng về người vợ trẻ. Người ta thường nói thơ xưa lấy thiên nhiên miêu tả con người. Nguyễn Mỹ cũng áp dụng công thức này mà thơ ông vẫn rất hiện đại, gợi cảm. Này đây là "bình minh hé giữa làn môi", "rạng đông với màu hồng ngọc" và "những giọt long lanh, nóng bỏng"... Chân dung cô gái tươi tắn, sinh động biết bao; không chỉ có cảm xúc mà rất thực, rất cụ thể với màu da, khuôn mặt, đôi mắt, đôi môi. Nhà thơ đóng vai người thuật chuyện, miêu tả giản dị mà không sa vào liệt kê, kể lể tầm thường hoặc thật thà quá đến mức dễ dãi. Ông biết nâng hiện thực lên một bước bằng nghệ thuật. Màu sắc không chỉ tô điểm mà thành biểu tượng trong thơ ông.
Giá như Nguyễn Mỹ là họa sĩ hẳn ông sẽ thành công trong việc xử lý màu trên các bức tranh của mình. Nhưng người đọc sẽ nhớ ông trong thơ bằng tài năng này. Ngoài Cuộc chia ly màu đỏ, Nguyễn Mỹ có bài Giấc mơ xanh, Hơi ấm đường rừng và nhiều bài thơ hay khác.
Giá như Nguyễn Mỹ đi hết cuộc chiến tranh chống Mỹ và tất cả những người lính đều được trở về nguyên vẹn sau chiến tranh! Giá như…!
Bài viết này là nén tâm hương tưởng nhớ đến Nguyễn Mỹ và những người lính đã hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam, vì quê hương, vì dân tộc!