Quang cảnh Buổi Hội thảo Giới thiệu báo cáo Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)
5 năm qua, Phú Yên đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao các chỉ số: Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) , Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDES) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với mục đích cơ bản là không ngoài việc mong muốn cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; tạo ra những thông số hấp dẫn cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm ứng dụng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và đầu tư.
Một số kết quả nổi bật trong 05 năm qua (2011- 2015)
Chúng ta ai cũng biết rằng nếu một tỉnh, thành phố có một kết quả PAPI, PCI tốt thì kéo theo nhiều điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, tăng mức độ hài lòng của người dân, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư... Tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011- 2015 vừa qua của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đã kết luận: Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành CCHC của tỉnh đã được quan tâm thực hiện; UBND tỉnh đã hình thành một hệ thống văn bản pháp quy để chỉ đạo, điều hành công tác CCHC của tỉnh. Đã sửa đổi, bổ sung những quy định mới về thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với nhân dân và doanh nghiệp; đã loại bỏ một số khâu trung gian, những giấy tờ, thủ tục không cần thiết, rút ngắn được thời gian giải quyết công việc của công dân, tổ chức. Các TTHC thuộc lĩnh vực cấp phép đăng ký doanh nghiệp, báo chí, xuất bản, đăng ký khuyến mại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu được thực hiện qua mạng điện tử đã giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp và rất thuận tiện cho việc quản lý, giám sát cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ giải quyết TTHC, giảm tối đa các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.
Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được thực hiện chặt chẽ hơn. Việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, xét tuyển dụng công chức, viên chức nghiêm túc, đúng quy trình, quy định của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ từng bước được trẻ hóa, cán bộ nữ được quan tâm trong việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị.
Cải cách tài chính công đã mang lại hiệu quả tích cực: các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện chi tiêu ngân sách đúng quy định của Chính phủ về tiết kiệm ngân sách; nợ công của tỉnh không lớn và đảm bảo trong khả năng cân đối để thanh toán.
Đặc biệt là việc ban hành và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 03/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo sự chấp hành cao trong cán bộ, công chức, mang lại hiệu quả tích cực, được các cấp, các ngành, nhất là nhân dân khen ngợi, ủng hộ. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đã được tiến hành thường xuyên, liên tục; đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Qua đó đã góp phần giáo dục, răn đe và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nâng cao hiệu quả làm việc của cơ quan, đơn vị…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC Nhà nước của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, như:
CCTTHC tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa tạo bước đột phá. Chỉ số PAPI, Chỉ số PAR INDES và Chỉ số PCI của tỉnh còn thấp. Việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện phân cấp quản lý nhà nước của tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, do đó, vẫn còn một số công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây sách nhiễu trong thi hành công vụ. Việc thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” trong giải quyết hồ sơ TTHC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Các doanh nghiệp, hộ dân còn phàn nàn về thủ tục và thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở; cấp phép đầu tư. Còn có ý kiến thắc mắc về cách tính thuế khoán đối với các hộ kinh doanh cá thể. Máy móc, thiết bị công tác được trang bị tương đối đầy đủ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng có lúc, có nơi sử dụng chưa đúng quy định, chưa phát huy được hiệu quả, công năng sử dụng…
Những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn tới (2016- 2020)
Để tiếp tục phát huy được thế mạnh của công tác CCHC Nhà nước; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm của công tác này trên toàn địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016- 2020, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Đối với UBND tỉnh Phú Yên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo:
a- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác CCHC hàng năm của tỉnh trên cơ sở cụ thể hóa chương trình công tác CCHC giai đoạn 2016- 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 163/QĐ-UBND, ngày 02/02/2012 của UBND tỉnh và yêu cầu thực tế của tỉnh.
b- Yêu cầu các Sở, ngành, địa phương (UBND cấp huyện, cấp xã) tổ chức thực hiện nghiêm túc việc giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” theo quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1979/UBND-NC, ngày 14/5/2015 của UBND tỉnh. Cụ thể tập trung thực hiện những công tác trọng tâm sau:
- Đối với Sở Nội vụ: Sớm phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy chế phối hợp liên thông giữa các Sở, ngành, địa phương trong giải quyết TTHC để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp hoặc bất cập trong triển khai thực hiện. Thường xuyên kiểm tra hoạt động của bộ phận “một cửa, một cửa liên thông”; giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh công vụ; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm không đúng quy chế “một cửa, một cửa liên thông”; triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 03/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
- Đối với Sở Tư pháp: Thực hiện tốt công tác thẩm định, kịp thời tham mưu UBND tỉnh công bố TTHC ngay khi văn bản pháp luật của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương có quy định TTHC có hiệu lực thi hành.
- Đối với Sở Thông tin và Truyền thông: Sớm tham mưu UBND tỉnh nâng cấp Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và các hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo yêu cầu thực hiện Văn phòng điện tử và hiện đại hóa cơ quan hành chính; có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh để đảm bảo công tác an toàn, bảo mật tài liệu trên mạng và mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải bố trí một máy vi tính không kết nối mạng Internet để lưu trữ tài liệu.
- Đối với Sở Công Thương: Thường xuyên triển khai các chương trình xúc tiến thương mại; chương trình hỗ trợ, tư vấn, thông tin, cung cấp dịch vụ về khuyến công cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa nhằm thúc đẩy sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền, lợi ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
- Đối với Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo lao động, nhất là đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề bằng nhiều nguồn vốn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Đối với Văn phòng UBND tỉnh: thường xuyên tham mưu, giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung để cải thiện các chỉ số: PAPI, PAR INDES và PCI, đặc biệt là theo dõi việc tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 06/8/2013 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2013- 2015, gắn với triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia đến cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên tổng hợp, đề xuất chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2- Đối với các cơ quan Tư pháp tỉnh:
Thực hiện tốt kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng trong hoạt động truy tố, điều ta, xét xử, thi hành án, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, hành chính nhằm nâng cao mức độ tin tưởng, sự tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với hoạt động của các cơ quan này.
3- Đối với Cục thuế tỉnh: Cần khẩn trương rà soát lại các quy định hiện hành của Tổng Cục thuế và của UBND tỉnh về các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai có liên quan đến sự phối hợp giải quyết của ngành Thuế để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung các quy định về quy trình, thời gian giải quyết các TTHC này cho phù hợp để thống nhất thực hiện trên tinh thần rút ngắn thời gian và đơn giản hóa hồ sơ để phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn.
Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thường xuyên chỉ đạo tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về quy định thu thuế khoán đối với các hộ kinh doanh cá thể; đồng thời có hình thức công khai đầy đủ, rõ ràng về cách tính thuế, thu nộp thuế khoán cho từng hộ kinh doanh cá thể biết, thực hiện theo đúng quy định; kiểm soát, xử lý nghiêm các công chức ngành thuế có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc tính thuế, thu nộp thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể…