Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm: giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp; giám sát của Thường trực HĐND; giám sát của các Ban HĐND và giám sát của đại biểu HĐND thông qua nhiều hình thức và phương pháp tiến hành giám sát khác nhau, được thực hiện trên các lĩnh vực: Giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Thông qua giám sát sẽ nắm được toàn diện và đầy đủ những diễn biến hoạt động của đời sống xã hội, những bức xúc, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; kiểm chứng lại tính đúng đắn, sự phù hợp của các quy định pháp luật đã và đang áp dụng trong đời sống xã hội và những chủ trương, biện pháp mà nghị quyết HĐND đã quyết nghị. Giám sát còn động viên, khích lệ những nhân tố mới, phát hiện và kiến nghị các biện pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các ngành, địa phương, cơ sở trong quá trình thực hiện; uốn nắn những lệch lạc, xử lý những sai phạm, từ đó làm cho việc thực hiện các nghị quyết của HĐND và các chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chất lượng công tác giám sát có ý nghĩa quan trọng trong việc ban hành và thực thi các nghị quyết của HĐND; là cơ sở để đi đến quyết định vấn đề một cách khách quan, chính xác, đảm bảo cho việc ban hành các nghị quyết thiết thực, hiệu quả thực sự đi vào cuộc sống. Qua kinh nghiệm được rút ra qua quá trình tiến hành giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, tại bài viết này tôi đề cập một khía cạnh hoạt động giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân đó là giám sát chuyên đề.
Chúng ta đều biết, hoạt động giám sát chuyên đề được tiến hành thường xuyên, tập trung vào những vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội, những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm. Đây là vấn đề không mới, đã có nhiều cách làm, nhưng mỗi địa phương có mỗi cách tiến hành khác nhau, vì cách thức tổ chức hoạt động giám sát, quy trình giám sát như thế nào là phù hợp với điều kiện của từng địa phương cũng chưa có quy định cụ thể trong các luật và các quy định. Song, mong muốn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh luôn được nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở. Xác định tầm quan trọng của công tác giám sát chuyên đề, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới hoạt động này. Căn cứ vào nghị quyết của HĐND tỉnh và chương trình, kế hoạch hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, Ban đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với lĩnh vực Ban phụ trách, trong đó đặc biệt quan tâm đến hoạt động giám sát chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm, bức xúc của tỉnh, của cử tri và nhân dân quan tâm. Sau các đợt giám sát chuyên đề, Ban đã có báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, nêu các ý kiến đánh giá và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, với UBND tỉnh và các sở ngành liên quan xem xét, xử lý trong quá trình điều hành, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh trong thời gian tới, theo tôi cần lưu ý một số nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát
Trước hết, cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác giám sát của HĐND. Tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức đúng và đầy đủ về hoạt động giám sát. Phải coi giám sát là hoạt động thường xuyên của cơ quan dân cử, là một kênh quan trọng “vừa xây, vừa chống” nhằm giúp cấp ủy, mà trực tiếp là UBND các cấp và các cơ quan, ban, ngành, địa phương đánh giá lại việc thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Ở đây, cần lưu ý một điều, đó là: Giám sát khác với kiểm tra của Đảng, không lấn sang lĩnh vực của các cơ quan hành chính các cấp; nhưng trong quá trình giám sát nhất thiết không được làm qua loa, chung chung, mà phải đi vào những nội dung cụ thể, thiết thực, nêu trúng và đúng vấn đề; khắc phục tính hình thức trong giám sát, mang lại hiệu quả rõ ràng để các ngành, các cấp, các địa phương, qua mỗi cuộc giám sát đó hiểu rõ hơn, đúng hơn về hoạt động giám sát, từ đó đồng tình, phối hợp và ủng hộ.
Hai là, lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát hợp lý
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc triển khai, thực hiện hoạt động giám sát, cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng ngay từ khâu lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát (bao gồm cả đề cương báo cáo, hệ thống bảng biểu tổng hợp). Việc tổ chức giám sát phải đảm bảo tính khoa học; nội dung giám sát phải tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm; kế hoạch giám sát phải phù hợp. Hơn thế, trong mỗi cuộc giám sát cần chọn ra những vấn đề lớn, trọng tâm mà tỉnh đã có chủ trương, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hoặc chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Muốn vậy, ngay từ khi xây dựng kế hoạch và thực hiện quy trình giám sát, các Ban của HĐND tỉnh cần chú ý, trong kế hoạch giám sát cần phải nêu rõ: Những căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn mà Đoàn giám sát được thành lập; xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng của đợt giám sát; yêu cầu những cơ quan, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát phải báo cáo cụ thể nội dung đã triển khai thực hiện theo đề cương gợi ý gửi kèm kế hoạch giám sát; xác định rõ các bước trong kế hoạch giám sát. Trong đó, nhất thiết phải đảm bảo đủ và có tính khoa học, toàn diện các bước theo trình tự sau:
Bước chuẩn bị, gồm: khảo sát, xây dựng và gửi các kế hoạch, đề cương, yêu cầu biểu mẫu báo cáo cho các cơ quan liên quan. Đây là bước rất quan trọng vì xuất phát từ mục đích, yêu cầu của đợt giám sát mà đề cương yêu cầu báo cáo đối với mỗi cơ quan ở cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sẽ khác nhau; đề cương yêu cầu báo cáo lập phải chi tiết, sát với yêu cầu giám sát đề ra, phải dựa trên các căn cứ là các chế độ chính sách, chỉ thị, nghị quyết thì khi nhận báo cáo phản hồi mới có đủ thông tin để giám sát. Mặt khác, trong đề cương không thể thiếu mục kiến nghị giải pháp để các đơn vị “hiến kế” giúp tháo gỡ khó khăn từ kinh nghiệm thực tiễn.
Nghiên cứu thiết lập các bảng biểu yêu cầu các địa phương, đơn vị báo cáo sao cho thông qua các số liệu trong biểu, tự nó phần nào đã nói lên được hoạt động của đơn vị đúng sai đến đâu, tồn tại vướng mắc cần tháo gỡ, nguyên nhân…Đây cũng là cơ sở quan trọng để tổng hợp kết quả sau đợt giám sát.
Bước tiến hành giám sát: Trong bước này, quan trọng nhất là việc nghiên cứu kỹ thu thập thông tin từ các báo cáo đã nhận được có liên quan, qua đó phát hiện ra những vấn đề mới, vấn đề còn tồn tại; sau đó mới định hướng để chọn sẽ đi khảo sát, giám sát thực tế xuống địa phương, đơn vị nào trước, nghe báo cáo của những cơ quan, đơn vị nào; nên chọn đơn vị cơ sở có hoạt động lớn, có tính đại diện cho tất cả các địa phương và còn có nhiều vướng mắc, có như vậy khi đánh giá chung mới đầy đủ, toàn diện.
Định hướng rõ cách làm trong giám sát chuyên đề: thực tế có nhiều chuyên đề giám sát về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể nhưng có chuyên đề lại giám sát việc thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách, do đó, tùy từng nội dung của cuộc giám sát mà định hướng rõ vấn đề cần đi sâu. Ví dụ: giám sát việc thực hiện một chương trình, nghị quyết của HĐND tỉnh thì cần đi sâu vào kiểm tra các địa phương, đơn vị triển khai như thế nào? kết quả thực hiện đến đâu? có khó khăn, tồn tại, hạn chế, vướng mắc gì? kiến nghị giải pháp tháo gỡ; giám sát về thực hiện cơ chế chính sách thì cần đi sâu vào sự phù hợp của cơ chế chính sách có hợp lòng dân không, tại thời điểm giám sát có còn phù hợp hay đã lạc hậu, cần phải sửa đổi do Trung ương đã thay đổi cơ chế quản lý hay thực tiễn đã khác, cách làm ở mỗi địa phương, đơn vị thế nào? triển khai có khó khăn gì? Phải xem xét, liên hệ với các điều kiện từ thực tiễn cơ sở; từ ý kiến qua tiếp xúc cử tri; xem xét nghiên cứu đến các yếu tố vùng sâu, vùng xa, biên giới… có thực hiện được không? Những yêu cầu nêu trên nhằm mục đích sao cho chính sách ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhận thức của người dân, không sai luật, không vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật và mục đích cuối cùng là tạo động lực, khuyến khích cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giảm phiền hà cho nhân dân và cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Thực hiện giám sát đảm bảo tính hợp lý, cụ thể, chính xác, hiệu quả, gồm các vấn đề sau: Thực hiện nghiêm túc theo quy trình chặt chẽ trước trong và sau giám sát; thu thập, nghiên cứu kỹ thông tin, kết hợp nghe báo cáo với đi kiểm tra thực tế đảm bảo tính đồng bộ; hình thức tổ chức giám sát hợp lý là giám sát từ cơ sở lên. Trước tiên là đi kiểm tra thực tế cơ sở có nhiều vấn đề để hiểu sâu sắc thêm, sau đó quay về làm việc với các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh thì sẽ có nhiều thông tin hơn để trao đổi mà nhiều khi ở huyện, tỉnh không nắm được. Giám sát chỉ thật sự có hiệu lực, hiệu quả khi những đề xuất, kiến nghị sau giám sát được các cơ quan đơn vị tiếp thu, điều chỉnh hoặc giải quyết kịp thời. Do đó, phải quan tâm theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát thế nào? nếu đơn vị không thực hiện thì nhắc nhở hoặc tiếp tục đưa vào chương trình giám sát thường xuyên; những vấn đề giải quyết đòi hỏi phải có thời gian thì tiếp tục theo dõi hoặc yêu cầu đơn vị báo cáo kết quả thực hiện vào kỳ họp thường lệ giữa năm hoặc cuối năm.
Một kinh nghiệm thực tiễn được rút ra đó là: những vấn đề gì nổi cộm, còn vướng mắc liên quan đến nhân dân, thì khi đi thực tế xuống cơ sở nếu cần thiết phải tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất của người dân, từ đó mới nắm bắt được tại sao chính sách không thể thực hiện được, cần sửa đổi gì… Đặc biệt lưu ý là phải nắm bắt các nhân tố mới phát sinh, các kiến nghị giải pháp của cơ sở, vì họ là người trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách, nên ý kiến của họ bao giờ cũng sát thực và khả thi, gợi mở cho ta nhiều vấn đề mới.
Bước kết thúc - tổng hợp kết quả giám sát: Để báo cáo giám sát có chất lượng tốt thì trong báo cáo của Đoàn giám sát cần nêu rõ các nội dung như: cơ sở pháp lý của Đoàn giám sát hoạt động; căn cứ cơ sở pháp lý để giám sát, các chính sách pháp luật có liên quan… Đây là cơ sở để so sánh, đối chiếu, trích dẫn, giám sát xem đúng hay sai, sai so với chế độ, chính sách, quy định nào. Báo cáo phải nêu rõ được những việc đã làm tốt, việc còn hạn chế, vướng mắc; đánh giá phải khách quan, nhận định phải bao quát, có tầm nhìn; có số liệu biểu bảng cụ thể minh họa; phân tích các mặt tốt, mặt hạn chế, nguyên nhân do đâu; đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan; kiến nghị các cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi chính sách, chế độ, quy định cho phù hợp.
Ba là, Nâng cao tinh thần trách nhiệm các thành viên của Ban trong hoạt động giám sát
Khi tiến hành giám sát, các Đoàn giám sát cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường năng lực và trình độ của các thành viên Ban trong công tác giám sát.
Chúng ta đều biết, kỹ năng hoạt động khi đi giám sát, khả năng chuyên môn am hiểu của các thành viên Đoàn giám sát là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của cuộc giám sát. Hiện nay, thành viên các Ban HĐND tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm, đa số thành viên của Ban là những cán bộ quản lý của một ngành, một đơn vị, có chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động trong một lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, mỗi một nội dung giám sát thường rộng và ở nhiều lĩnh vực khác nhau đòi hỏi trình độ và năng lực chuyên môn sâu. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần tổ chức họp Ban để phục vụ cho mục đích giám sát, trong đó triển khai nội dung giám sát, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho các thành viên khi tiến hành giám sát tại cơ quan, đơn vị theo sự hiểu biết về lĩnh vực được phân công. Đồng thời cuối mỗi đợt giám sát, Ban tổ chức hội ý, đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kỹ năng giám sát cho các thành viên của Ban. Việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn giám sát phải phù hợp với sở trường, theo chuyên ngành được đào tạo, hoặc là theo lĩnh vực các thành viên đang công tác sao cho phù hợp. Có như vậy, mỗi thành viên và cả Đoàn mới nắm chắc được tình hình hoạt động đang diễn ra ở cơ sở. Điều đó cũng có nghĩa là, khi giám sát tại cơ sở mỗi thành viên Đoàn giám sát luôn trong thế chủ động, có cái nhìn, cách đánh giá khái quát ngay từ đầu. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cần lưu ý khi nêu vấn đề yêu cầu đơn vị chịu sự giám sát trả lời cần tập trung vào vấn đề chính, trọng tâm; câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ý, từ đó cũng dễ tổng hợp, đạt mục đích của cuộc giám sát. Trưởng Đoàn giám sát chuẩn bị kỹ và cũng cần có một số câu hỏi trao đổi có tính chất gợi mở, định hướng để các thành viên đi sâu vào vấn đề mình quan tâm, từ đó đáp ứng nội dung, yêu cầu cuộc giám sát đặt ra.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp với UBMTTQ và HĐND cấp huyện, xã trong quá trình giám sát chuyên đề tại địa phương
Trong quá trình xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát tại địa phương, phải thường xuyên phối hợp với UBMTTQ và HĐND, Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã trong quá trình giám sát chuyên đề tại địa phương, đây là yếu tố quan trọng, nhằm nắm thông tin phong phú hơn, đồng thời tranh thủ ý kiến của các cơ quan này, tạo được tiếng nói chung và sự đồng thuận đối với việc kiến nghị, đề xuất sau giám sát. Đây cũng là một kinh nghiệm để các đại biểu nghiên cứu, tham khảo.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND trong thời gian tới, đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Quốc hội ban hành Luật Giám sát của HĐND và các văn bản hướng dẫn thi hành để làm cơ sở pháp lý cho HĐND các cấp thực thi nhiệm vụ, để từ đó có cơ sở giám sát, kiến nghị, đề xuất phù hợp với thực tế của địa phương./.