Đến nay, mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều được phủ kín ở các huyện, hàng năm đã đào tạo được một bộ phận lao động nông thôn có kiến thức, kỹ năng, tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật để tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình và nâng cao thu nhập cho bản thân. Đồng thời, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự nghiệp CNH - HĐH tỉnh nhà. Thông qua các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, các làng nghề truyền thống đã được khôi phục và phát triển mạnh; nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã được thực hiện hiệu quả, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, góp phần tích cực trong việc xoá đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển sinh đào tạo nghề ở tỉnh ta trong những năm qua còn thấp, tâm lý đa số các em học sinh và gia đình còn nặng về bằng cấp. Một số lao động ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số, người nghèo còn nhiều khó khăn về kinh tế, ở cách xa cơ sở dạy nghề, nên chưa tích cực tham gia học nghề. Một số nghề chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội về tay nghề, về các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm... Kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động trong tỉnh vẫn còn khoảng cách so với các vùng trọng điểm kinh tế khác trong nước. Hoạt động dạy nghề chưa bắt kịp với nhu cầu thị trường lao động, chưa huy động được doanh nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề tham gia dạy nghề. Lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động ở địa phương, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp chưa được chặt chẽ và hiệu quả.
Từ những kết quả và tồn tại, hạn chế nêu trên, để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Yên trong năm 2015, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: (1) Tập trung đầu tư phát triển các nghề trọng điểm theo các cấp độ thuộc trường Cao đẳng nghề Phú Yên, trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Phú Yên theo quy hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. (2) Sớm tổ chức Hội nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, khảo sát, nắm chắc nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, khả năng tay nghề và nhu cầu trình độ; tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo hướng vừa đào tạo nghề phục vụ cho nền kinh tế nhất là đào tạo nghề cho các khu công nghiệp, đồng thời tham gia thị trường xuất khẩu lao động. (3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với lao động nông thôn, nhất là trong độ tuổi thanh niên, quan tâm đến địa bàn các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số … tích cực tham gia học nghề, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. (4) Tiếp tục đầu tư nâng cấp các trường, trung tâm dạy nghề và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề để tăng nhanh quy mô, chú trọng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. (5) Tăng cường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề thông qua việc đăng ký tuyển sinh dạy nghề của các cơ sở dạy nghề theo đúng qui định. (6) Tiếp tục rà soát các chính sách về đào tạo nghề để kiến nghị với Trung ương kịp thời sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, như: hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chi phí hỗ trợ học nghề…. nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. (7) Tiến hành hợp nhất 2 Trung tâm ở cấp huyện, gồm: Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp thành “Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề” theo đề án đã được phê duyệt, giao cho UBND cấp huyện quản lý./.