Phiên thảo luận tại Tổ số 3 diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn. Tổ số 3 có 24 đại biểu tham gia, trong đó có 17 lượt đại biểu phát biểu, với 30 nội dung, tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2024 và những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong năm 2025 để thực hiện đạt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đề ra; các báo cáo và hồ sơ dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
Tổ đại biểu số 03 tham gia thảo luận tại Tổ
Tham gia thảo luận hầu hết đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đối với công tác chuẩn bị kỳ họp, việc chuẩn bị nội dung, chương trình đảm bảo kỹ lưỡng, chặt chẽ theo quy định, nhất là việc tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh và các ngành chuẩn bị đầy đủ, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trước HĐND tỉnh và cử tri. Đa số đại biểu biểu thị sự đồng tình, thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ngành hữu quan và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh trình kỳ họp. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là tình hình nội lực kinh tế tỉnh chưa thực sự bền vững. Qua thảo luận, các đại biểu đã có ý kiến cụ thể về một số lĩnh vực như sau:
VỀ KINH TẾ
- Tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là vốn sự nghiệp; việc thực hiện lồng ghép vốn còn khó khăn; các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; một số địa phương sử dụng nguồn vốn chưa phù hợp với quy định. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 22/6/2024 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiến độ xây dựng, trình ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của một số cơ quan chủ trì từng tiểu dự án, dự án với địa phương có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các chính sách, văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện các Chương trình.
Đại biểu Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Dân vận TU phát biểu tại thảo luận tổ
- Công tác giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng theo các quyết định UBND tỉnh từ các năm 2013, năm 2014 còn nhiều bất cập, hạn chế. Đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc thu hồi đất lâm nghiệp của các Ban Quản lý rừng phòng hộ giao cho địa phương quản lý để giao lại cho các hộ gia, cá nhân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng theo các quyết định UBND tỉnh từ các năm 2013, năm 2014.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt phương án giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với diện tích đất lâm nghiệp thu hồi để người dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
- Việc nuôi trồng thủy sản trong lồng bè không theo quy hoạch ở các khu vực vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Đề nghị UBND tỉnh sớm trình phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác sắp xếp các khu vực nuôi trồng thủy sản.
VỀ VĂN HÓA - XÃ HỘI:
- Hiện nay, tình trạng mất dần chữ viết và tiếng nói đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số gây ra nguy cơ mai một nền văn hóa, bản sắc của các dân tộc; đồng thời vấn đề bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo cấp, ngành có giải pháp thực hiện bảo tồn văn hóa phi vật thể.
VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC, MIỀN NÚI:
- Đến nay, vẫn còn 938 người DTTS được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng BHYT theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75/2003/NĐ-CP chưa tham gia BHYT. Đề nghị UBND tỉnh sớm có phương án chỉ đạo thực hiện hoàn thành theo quy định.
Đ/c Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân
phát biểu tại thảo luận tổ
- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm tổ chức tuyển dụng đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối tượng học cử tuyển. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đảm bảo cơ cấu người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, bộ máy chính quyền địa phương.
- Qua khảo sát, trên địa bàn 03 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân đã quản lý, sử dụng và khai thác 72 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó, có 10 công trình hoạt động bình thường, 13 công trình hoạt động kém hiệu quả, 17 công trình không hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh sớm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Phương Anh