
Đồng chí Đào Mỹ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh trình bày báo cáo thuyết trình tại Kỳ họp
Chi tiết các nội dung được cụ thể tại Báo cáo của UBND tỉnh, sau đây tóm tắt các nội dung của báo cáo thuyết trình như sau:
1. Nghị quyết bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Ngày 27/02/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030; trong đó, giao tỉnh Phú Yên hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 là 1.000 căn hộ và các năm tiếp theo đến năm 2030 (cụ thể: năm 2026 là 500 căn, năm 2027 là 1.300 căn, năm 2028 là 2.000 căn, năm 2029 là 3.000 căn và năm 2030 là 11.407 căn). Để có cơ sở giao cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bổ sung chỉ tiêu phát triển 1.000 căn nhà ở xã hội vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
2. Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh; điều chỉnh, bổ sung và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025.
Căn cứ Luật Đầu tư công năm 2024; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết nêu trên, với một số nội dung chính như sau:
- Về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh: (1) Điều chỉnh giảm 62,55 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách khối tỉnh quản lý của 08 dự án đã đầu tư hoàn thành, 02 dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành trong năm 2025 hết nhu cầu sử dụng vốn và Dự án Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cần bổ sung nguồn vốn khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; (2) Điều chỉnh tăng 62,55 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh; trong đó: điều chỉnh tăng 26,65 tỷ đồng cho Dự án Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, phần còn lại đưa vào phân bổ sau.
- Về điều chỉnh, bổ sung và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025: (1) Phân bổ 45 tỷ đồng từ nguồn vốn phân bổ sau để bố trí cho dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) - Dự án thành phần tỉnh Phú Yên, đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2025; (2) Phân bổ 36,59 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách chưa phân bổ để bố trí bổ sung cho dự án Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (25,09 tỷ đồng) và dự án Kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, khu vực thôn Phú Sen, huyện Phú Hòa và khu vực phường 6 thành phố Tuy Hòa (11,5 tỷ đồng), để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; (3) Phân bổ 485 triệu đồng từ nguồn vốn chuẩn bị đầu tư chưa phân bổ để bố trí chuẩn bị đầu tư cho dự án Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối thị xã Sông Cầu - huyện Tuy An (178 triệu đồng) và dự án Trưng bày nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (307 triệu đồng); (4) Phân bổ 6,2 tỷ đồng từ nguồn vốn thanh toán nợ quyết toán chưa phân bổ để bố trí thanh toán nợ quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định; (5) Điều chỉnh giảm/tăng 1,56 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của dự án giảm khối lượng thực hiện để bố trí cho dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
3. Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu theo Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 11/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm ngheo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 11/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025 cho các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu theo Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 11/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm ngheo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với số tiền là 39,16 tỷ đồng, từ nguồn dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2025 đã được Quốc hội thông qua.
4. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị; nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, phương án sản xuất cộng đồng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết nêu trên, với một số nội dung chính như sau:
- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 2 quy định nội dung hỗ trợ đối với đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và điểm a khoản 1 Điều 3 quy định nội dung hỗ trợ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
- Bãi bỏ khoản 2 Điều 3 và Khoản 5 Điều 3; Thay thế cụm từ “Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH” bằng cụm từ “Thông tư số 03/2024/TT-BLĐTBXH” tại khoản 1 Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị; nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, phương án sản xuất cộng đồng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2021-2025.
5. Nghị quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) - Dự án thành phần tỉnh Phú Yên, với tổng diện tích rừng 20,2339 ha. Trong đó: Quy hoạch đất rừng phòng hộ: 13,024 ha; Quy hoạch đất rừng sản xuất: 7,0299 ha.
6. Nghị quyết đặt tên đường và đổi tên công trình công cộng trên địa bàn thành phố Tuy Hòa.
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết đặt tên đường và đổi tên công trình công cộng trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, cụ thể:
- Đặt tên đường 1 tháng 4 cho tuyến đường số 14 (điểm đầu tại nút giao với đường Độc Lập - điểm cuối tại nút giao với đại lộ Nguyễn Tất Thành; rộng 40 mét; dài 2.069,78 mét).
- Đổi tên Quảng trường 1 tháng 4 (đường Lê Duẩn, Phường 7, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Quy mô: 49.224 m2) thành Quảng trường Phú Yên.

Quang cảnh diễn ra Kỳ họp thứ 27
7. Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên năm 2025.
Căn cứ Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và các văn bản chỉ đạo của Trung ương;
UBND tỉnh đã tổ chức rà soát tổng thể các đơn vị hành chính về quy mô dân số, diện tích và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực; căn cứ các tiêu chí quy định của Trung ương để thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Phú Yên bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đề xuất của các địa phương và ý kiến thống nhất của các cấp thẩm quyền; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên năm 2025, cụ thể như sau:
Trên cơ sở 106 xã, phường hiện có, sắp xếp thành lập 34 xã, phường (gồm 27 xã, 07 phường), giảm 72 đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ giảm 67,92% đảm bảo theo định hướng của Trung ương (giảm khoảng 60% đến 70%), gồm:
- Thành phố Tuy Hòa có 12 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 03 phường (gồm phường Tuy Hòa, phường Phú Yên và phường Bình Kiến).
- Thị xã Sông Cầu có 13 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 03 xã, 02 phường (gồm xã Xuân Thọ, xã Xuân Cảnh, xã Xuân Lộc, phường Xuân Đài và phường Sông Cầu)
- Thị xã Đông Hòa có 10 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 01 xã, 02 phường (gồm xã Hòa Xuân, phường Đông Hòa và phường Hòa Hiệp).
- Huyện Tuy An có 15 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 05 xã (gồm xã Tuy An Bắc, xã Tuy An Đông, xã Ô Loan, xã Tuy An Nam và xã Tuy An Tây).
- Huyện Phú Hòa có 09 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 02 xã (gồm xã Phú Hòa 1 và xã Phú Hòa 2).
- Huyện Tây Hòa có 11 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 04 xã (gồm xã Tây Hòa, xã Hòa Thịnh, xã Hòa Mỹ và xã Sơn Thành).
- Huyện Sơn Hòa có 14 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 04 xã (gồm xã Sơn Hòa, xã Vân Hòa, xã Tây Sơn và xã Suối Trai).
- Huyện Sông Hinh có 11 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 04 xã (gồm xã Ea Ly, xã Ea Bá, xã Đức Bình và xã Sông Hinh).
- Huyện Đồng Xuân có 11 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp thành lập 04 xã (gồm xã Xuân Lãnh, xã Phú Mỡ, xã Xuân Phước và xã Đồng Xuân).
Các ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên mở rộng hơn so với tiêu chuẩn quy định, tạo không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; quy mô dân số của ĐVHC mới phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền cấp xã và đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu quả.
Thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã liền kề kết hợp điều chỉnh địa giới hành chính sẽ giải quyết vấn đề bất cập về phân định địa giới đơn vị hành chính đã tồn tại từ trước; sẽ tạo sự thay đổi tích cực và tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng phát triển của địa phương, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm được chi tiêu công, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả. Sau khi nhập, các đơn vị hành chính mới có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộ.
8. Nghị quyết về chủ trương sắp xếp tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên.
Căn cứ Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và các văn bản chỉ đạo của trung ương.
Qua kết quả rà soát, làm việc và thống nhất của 02 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chủ trương sắp xếp tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, cụ thể như sau:
Thành lập tỉnh Đắk Lắk trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính các tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên. Đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk (mới), có diện tích tự nhiên 18.096,40 km2 (đạt 226,20% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.346.853 người (đạt 371,87% so với tiêu chuẩn), 102 đơn vị hành chính trực thuộc (tỉnh Đắk Lắk (cũ) 68, tỉnh Phú Yên 34).
Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh của tỉnh Đắk Lắk đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh theo quy định của pháp luật, phù hợp với vị trí địa lý, thuận tiện về giao thông, tạo không gian phát triển mới,… làm tiền đề quan trọng cho việc quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội trong chiến lược dài hạn, đồng thời đảm bảo sự nối tiếp phù hợp với phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh theo chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Phương Tâm