Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận để xem xét, cho ý kiến về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên năm 2025 và chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, nội dung thảo luận chủ yếu liên quan đến việc đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên sau sắp xếp và kết quả lấy ý kiến Nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên, tên gọi của các xã mới hình thành và việc hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên,…
Đại biểu Lê Ngọc Tính, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Hòa
thảo luận về việc đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Qua thảo luận, các cơ quan chuyên môn và đại diện các địa phương đã khẳng định việc đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên sau sắp xếp đã được tính toán, suy xét kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; các dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình của từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn đầy đủ, đúng quy định; kết quả lấy ý kiến, đại đa số cử tri đại diện hộ gia đình đều thống nhất với các dự thảo Đề án (98% cử tri thống nhất với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh Phú Yên và 97,69% cử tri thống nhất với Đề án hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên).
Thư ký Kỳ họp trình bày dự thảo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp
đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên năm 2025
Theo các đề án, sau sắp xếp, tỉnh Phú Yên sẽ thành lập 34 xã, phường mới, giảm 72 ĐVHC cấp xã, tỷ lệ giảm 67,92%, đảm bảo theo định hướng của Trung ương (giảm khoảng 60% đến 70%). Các xã, phường mới hình thành sau sắp xếp đảm bảo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk (sau hợp nhất) có diện tích tự nhiên 18.096,40 km2 (đạt 226,20% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.346.583 người (đạt 371,87% so với tiêu chuẩn), 102 ĐVHC trực thuộc (gồm: Tỉnh Đắk Lắk (cũ) 68, tỉnh Phú Yên 34); trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đắk Lắk (mới) đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Qua xem xét, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên năm 2025 và Nghị quyết về chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết
Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận: việc thông qua nghị quyết lần này là bước đi đầu tiên, quan trọng nhưng cũng hết sức thận trọng. Bởi sau đó là cả một chuỗi nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, nhất là trong giải quyết các vấn đề hậu hợp nhất. Do đó, sau khi HĐND tỉnh thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương để hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh với lộ trình rõ ràng, phân kỳ từng giai đoạn thực hiện, xác định các mốc chính trị, pháp lý, tổ chức bộ máy. Song song với đó, cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, để Nhân dân và cử tri thấy được lợi ích thiết thực của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức, triển khai thực hiện Đề án ngay sau khi được phê duyệt. Trong đó, lưu ý các nội dung liên quan đến công tác cán bộ, công tác xử lý tài sản, tài chính, ngân sách, công tác chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công, quản lý công tác văn thư, lưu trữ,... trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ánh Việt