Đồng chí Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc điều hành Sở Tài chính thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh trình bày báo cáo tại Kỳ họp
Chi tiết các nội dung được cụ thể tại Báo cáo của UBND tỉnh, sau đây tóm tắt các nội dung của báo cáo như sau:
VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2024
1. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện là 5.120 tỷ đồng, đạt 95% dự toán trung ương giao và dự toán tỉnh giao; bằng 121,95% so cùng kỳ. Có 14/16 khoản thu nội địa vượt dự toán tỉnh giao với tổng số tiền thu vượt: 508,8 tỷ đồng; 02/16 khoản thu không đạt dự toán tỉnh giao với tổng số hụt giảm: 795 tỷ đồng, trong đó: thu tiền sử dụng đất hụt 775 tỷ đồng. Thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện năm 2024 là 75 tỷ đồng, đạt 129,3% DTTW và DTĐP.
Khối tỉnh quản lý thu: ước đạt 2.454,7 tỷ đồng, đạt 76,6% dự toán tỉnh giao. Trong 14 khoản thu nội địa có 10/14 khoản thu vượt dự toán tỉnh giao; 04/14 khoản thu không đạt dự toán; trong đó tiền sử dụng đất khối tỉnh hụt 1.125,7 tỷ đồng. Khối huyện quản lý thu: ước đạt 2.665,3 tỷ đồng, đạt 122% dự toán tỉnh giao. Trong đó: thu tiền sử dụng đất 1.550,7 tỷ đồng, đạt 129,2% dự toán tỉnh giao. Tổng thu NSNN trên địa bàn không kể tiền sử dụng đất ước thực hiện: 1.114,6 tỷ đồng, đạt 113,2% dự toán tỉnh giao. Trong 09 huyện, thị xã, thành phố, có 07/09 huyện đạt và vượt dự toán thu tỉnh giao, 02/09 địa phương không đạt dự toán tỉnh giao.
2. Chi ngân sách địa phương: ước thực hiện chi NSĐP là 11.465 tỷ đồng, đạt 103,4% DTTW và dự toán tỉnh giao, bằng 120,4% so cùng kỳ.
a) Chi đầu tư phát triển: ước thực hiện 3.772 tỷ đồng (kể cả số giải ngân từ nguồn vốn năm trước được kéo dài sang và nguồn vốn bổ sung trong năm), đạt 77,51% theo DTTW giao đầu năm, đạt 82,92% kế hoạch vốn của tỉnh sau điều chỉnh. Giải ngân vốn đầu tư năm 2024 bằng 109,1% so cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 32,9% tổng chi ngân sách địa phương năm 2024. Trong đó, nguồn thu tiền sử dụng đất đóng vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư công, tuy nhiên, nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2024 huy động hết sức khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành chi ngân sách và tiến độ thực hiện các dự án liên quan.
b) Chi thường xuyên: ước thực hiện 7.691 tỷ đồng, đạt 112,37% DTTW, đạt 113,55% dự toán tỉnh, bằng 129% so cùng kỳ. Số thực hiện tăng so với dự toán đầu năm là do nguồn kinh phí chuyển nguồn từ năm trước sang, số bổ sung trong năm từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương các cấp, số tăng chi do điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ từ ngày 01/7/2024, số bổ sung từ các nguồn khác.
3. Tổng số kinh phí ngân sách trung ương bổ sung phát sinh trong điều hành ngân sách năm 2024 đến ngày 30/11/2024 là 41,060 tỷ đồng; kinh phí đã phân bổ và hoàn nguồn ngân sách địa phương tổng cộng là 41,060 tỷ đồng.
4. Số dư Quỹ Dự trữ tài chính địa phương đầu năm là 179,667 tỷ đồng; số dư đến ngày 31/10/2024 là 181,417 tỷ đồng (tăng 1,749 tỷ đồng do ngân sách tỉnh chi bổ sung Quỹ dự trữ 1 tỷ đồng và thu tiền lãi Kho bạc nhà nước trả đến nay 0,749 tỷ đồng); trong 10 tháng đầu năm chưa sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính địa phương.
Đánh giá chung: Tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2024 đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2024 hụt giảm lớn so với dự toán và thấp hơn thực hiện năm trước; điều này gây khó khăn cho việc cân đối ngân sách, ảnh hưởng đến công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, nhất là lĩnh vực chi đầu tư phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thu, chi ngân sách vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như sau:
1. Thu ngân sách nhà nước: huy động nguồn thu tiền sử dung đất năm 2024 hết sức khó khăn; số thuế nợ năm 2024 đã giảm so với năm trước, nhưng nhìn chung công tác quản lý thu và xử lý nợ thuế trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn.
2. Chi ngân sách địa phương: nguồn thu tiền sử dụng đất huy động khó khăn nên ảnh hưởng đến tình hình cân đối chi phục vụ giải ngân các dự án đã bố trí theo dự toán được giao; Vốn thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm, lúng túng từ khâu phân bổ đến cơ chế thanh toán thực hiện và một số cơ chế liên quan vẫn chưa ban hành kịp thời theo yêu cầu của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ). Chi sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện vẫn chậm và đạt tỷ lệ thấp so với dự toán được giao. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.
VỀ DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG, PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH NĂM 2025
Tổng dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2025 là: 5.540 tỷ đồng. Bao gồm: Thu nội địa: 5.460 tỷ đồng; Thuế xuất nhập khẩu: 80 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách địa phương: 12.727,152 tỷ đồng, bao gồm: Thu NSNN trên địa bàn phần ngân sách địa phương hưởng: 5.094,4 tỷ đồng; Thu bổ sung từ NSTW: 6.801,719 tỷ đồng; Thu chuyển nguồn ngân sách năm trước sang 831,033 tỷ đồng.
Tổng chi NSĐP năm 2025: 12.849,852 tỷ đồng, bao gồm: Chi đầu tư phát triển: 4.333,553 tỷ đồng (dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2025 toàn tỉnh là 2.018 tỷ đồng; khối tỉnh 790 tỷ đồng; khối huyện 1.228 tỷ đồng); Chi thường xuyên: 8.266,944 tỷ đồng; Chi trả lãi các khoản vay của NSĐP: 2,9 tỷ đồng; Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính: 1 tỷ đồng, bằng dự toán trung ương giao; Dự phòng ngân sách địa phương: 245,455 tỷ đồng.
Bội chi NSĐP: 122,7 tỷ đồng, bằng chỉ tiêu bội chi NSĐP tỉnh Phú Yên dự toán năm 2025 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao.
PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH NĂM 2025
1. Tổng thu NSNN trên địa bàn khối tỉnh quản lý: 3.256,6 tỷ đồng (Thu nội địa: 3.176,6 tỷ đồng, Thuế xuất nhập khẩu: 80 tỷ đồng).
2. Tổng thu ngân sách địa phương cấp tỉnh: 10.223,288 tỷ đồng, bao gồm: Thu NSNN trên địa bàn phần ngân sách cấp tỉnh hưởng: 2.859,57 tỷ đồng; Thu bổ sung từ NSTW 6.801,719 tỷ đồng.
3. Tổng chi ngân sách địa phương cấp tỉnh: 10.345,988 tỷ đồng, bao gồm: Phân bổ cho các sở, ngành, đơn vị khối tỉnh (kể cả các chủ đầu tư) và các nhiệm vụ: 3.274,381 tỷ đồng; Bổ sung ngân sách cho các huyện, thị xã, thành phố: 4.549,613 tỷ đồng; Chi trả nợ lãi các khoản vay của NSĐP: 2,9 tỷ đồng; Bổ sung Quỹ dự trữ tài chính: 1,0 tỷ đồng; Dự phòng ngân sách cấp tỉnh: 131,501 tỷ đồng; Các khoản chi ngân sách cấp tỉnh chưa phân bổ: 502,041 tỷ đồng; Các khoản chi NSĐP chưa phân bổ: 1.884,552 tỷ đồng, Bội chi NSĐP cấp tỉnh: 122,7 tỷ đồng.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2025
Tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế; đảm bảo công tác phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tập trung cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tái cơ cấu kinh tế, giải quyết nợ xấu và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc điều hành phát triển kinh tế. Kiểm tra, kiểm soát thị trường và quản lý giá, tổ chức theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giá các loại nguyên, nhiên vật liệu quan trọng là đầu vào của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN. Tính đúng, tính đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách theo các chính sách, chế độ hiện hành và những chế độ, chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành năm 2025; Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ thuế, tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính nghiêm minh trong việc chấp hành pháp luật thuế. Huy động và tập trung tối đa các nguồn lực phục vụ đầu tư hạ tầng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chi đầu tư phát triển phải gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Ưu tiên bố trí vốn theo thứ tự: trả nợ các dự án hoàn thành, thu hồi đủ các khoản vốn ứng trước dự toán, bảo đảm bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng ODA, vốn cho các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm, số còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ thực hiện của các công trình, dự án lớn. Chú trọng kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng tránh tiêu cực và sai phạm thuộc phạm vi phụ trách quản lý, thực hiện đúng yêu cầu tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng ngân sách đảm bảo theo quy định.
Phương Tâm