Đoàn ĐBQH
visibility 605 lượt xem calendar_month 31/10/2024
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 29/10/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Đại biểu Lê Văn Thìn phát biểu
        Tham gia thảo luận về dự án Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Thìn đồng tình, thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về đối tượng đầu tư công (Điều 5 dự thảo Luật), đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát để quy định đầy đủ các đối tượng đầu tư công trong dự thảo Luật, trong đó bao gồm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù có thể sử dụng nguồn vốn đầu tư công như chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, chính sách khuyến công... để đảm bảo rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ, áp dụng thống nhất.
        Đại biểu Lê Văn Thìn cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; giảm thiểu tối đa vướng mắc có thể phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, việc phân quyền, phân cấp trong dự thảo Luật cần tuân thủ đúng nguyên tắc mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã đề ra, trong đó, “việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp”. Ngoài ra, đại biểu tham gia góp ý các nội dung khác liên quan đến các quy định về cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C), về điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Điều 38…
Đại biểu Dương Bình Phú phát biểu
        Tham gia phát biểu về dự án Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, với định nghĩa về loại hình chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài tại khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật rất dễ dẫn đến cách hiểu là bất cứ chương trình, dự án nào sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi đều là dự án đầu tư công. Vì vậy, để phù hợp và thống nhất với quy định về giải thích từ ngữ tại khoản 16 Điều 4 dự thảo Luật về “dự án đầu tư công” và khoản 27 Điều 4 dự thảo Luật về “vốn đầu tư công”, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý nội dung trên. Đồng thời, đề nghị làm rõ sự cần thiết phải có khái niệm riêng về dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi do về nguyên tắc vốn đầu tư công (không phân biệt nguồn) được quản lý theo nguyên tắc nhất quán.
        Về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án, dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, dự toán nhiệm vụ quy hoạch, đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, việc sửa đổi này là phù hợp với tình hình thực tiễn, rút ngắn thời gian thực hiện dự án (thẩm quyền thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư hoặc chủ đầu tư theo quy định tại điều 10, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; thay vì thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND các cấp theo Luật Đầu tư công 2019 hiện nay). Bên cạnh đó, đại biểu tham gia góp ý các nội dung khác của dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Đào An Xuân tham gia phát biểu thảo luận
        Liên quan đến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Lê Đào An Xuân tham gia góp ý nội dung liên quan đên nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này vừa kế thừa quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, tuy nhiên, việc đưa vào Luật một chương riêng về ODA với các quy định đã thể hiện tại các Nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là chưa thật sự phù hợp với chủ trương không Luật hóa các nghị định. Việc thực hiện các quy định về ODA trong thực tiễn có nhiều bất cập không chỉ ở các dự án có quy mô lớn mà còn ở các dự án có mức viện trợ nhỏ/siêu nhỏ, viện trợ không hoàn lại,… Đại biểu kiến nghị Chính phủ khẩn trương rà soát lại các nội dung thật sự cần thiết để đưa vào Luật và chủ động sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi, tính thống nhất, tính đồng bộ của chính sách này với Luật Quản lý nợ công, Luật NSNN, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách thay đổi này.
          QUỐC LUÂN
mic Audio
[Audio] - Hội đồng nhân tỉnh Phú Yên
arrow_right [Audio] - Hội đồng nhân tỉnh Phú Yên
lens_blur Các trang thành phần
Bảng giá đất Tinht Phú Yên
tour Lượt truy cập
group Đang truy cập
today Hôm nay
calendar_month Trong tháng
event_note Trong năm
edit_calendar Tổng lượt truy cập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
call Số điện thoại: (0257) 3.821.013 - (0257) 3.843.549 Hotline: 02573.779773 - 02573.779774 fax Fax: (0257) 3.821.671 mail Email: hdndtinh@phuyen.gov.vn
language Website: www.dbnd.phuyen.gov.vn location_on Địa chỉ: 01 - 03 Độc Lập, Phường 6, Thành phố Tuy Hòa - Phú Yên.
Hỗ trợ quản trị và vận hành: Trung tâm Công nghệ thông tin & Truyền thông Phú Yên
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Default information