Đồng chí Lê Văn Thìn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu
Đại biểu Lê Văn Thìn đặt vấn đề, mặc dù, đã có lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có tích hợp một số môn học nhưng việc triển khai đào tạo giáo viên có chuyên môn dạy các môn này chậm. Gần đây mới có một số trường sư phạm có chuyên ngành giảng dạy bộ môn tích hợp, phải chờ một vài năm nữa sau khi sinh viên tốt nghiệp mới có giáo viên có chuyên môn dạy các môn này. Lẽ ra đội ngũ giáo viên đứng lớp giảng dạy bộ môn tích hợp phải được đào tạo bài bản từ giảng đường sư phạm bằng đội ngũ nhân lực kế cận cùng kế hoạch tập huấn bài bản, chất lượng, hiệu quả. Vấn đề này có trách nhiệm rất lớn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi không có giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này và giải pháp khắc phục để đảm bảo việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đạt hiệu quả.
Về chất vấn của đại biểu Lê Văn Thìn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 397/BGDĐT-VP ngày 23/01/2024 trả lời chất vấn của đại biểu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để thực hiện dạy môn Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì không thể thay thế toàn bộ giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa mà phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên này để dạy các môn KHTN, Lịch sử và Địa lý. Do đó, Bộ GDĐT đã ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn KHTN (Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021); Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý (Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021) để các địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cử giáo viên tham gia bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc tổ chức dạy học các môn KHTN, Lịch sử và Địa lý đã được Bộ GDĐT hướng dẫn phân công cho giáo viên các môn học hiện tại. Theo đó, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Khi một môn học có nhiều giáo viên cùng phụ trách theo từng mạch nội dung, nhà trường cần xây dựng thời khóa biểu phù hợp, trong đó không nhất thiết chia đều số tiết/tuần; nếu cần có thể không bố trí dạy môn học đó ở một số tuần (trên cơ sở bảo đảm chương trình theo từng học kỳ) để bảo đảm định mức giờ dạy/tuần của giáo viên được phân công.
Năm 2023, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học KHTN, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tại Công văn này, Bộ GDĐT đã hướng dẫn cụ thể và có tài liệu xây dựng Kế hoạch tổ chức dạy học môn KHTN, trong đó có hướng dẫn các cơ sở giáo dục trung học: “Phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và bầu trời). Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 02 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học”. Sau khi ban hành Công văn, Bộ GDĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy môn KHTN trên toàn quốc. Bộ GDĐT cũng đã giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo giáo viên các môn KHTN, Lịch sử và Địa lý; đồng thời ban hành Thông tư 10/2018/TT-BGDĐT ngày 30/6/2018 ban hành quy định về đào tạo cấp bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên. Hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên đã mở mã ngành và đang đào tạo giáo viên để dần thay thế cho số giáo viên nghỉ hưu, bổ sung nguồn tuyển dụng cho các địa phương.
Thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn KHTN, Lịch sử và Địa lý theo các chương trình của Bộ GDĐT ban hành và các kỹ năng cần thiết khác để thực hiện tốt chương trình các môn học tích hợp; đồng thời ưu tiên tuyển dụng giáo viên được đào tạo chính quy các môn này (năm 2024 có khóa sinh viên đầu tiên các môn học này ra trường) bổ sung cho số giáo viên còn thiếu và giáo viên nghỉ hưu.
QUỐC LUÂN