So với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự tăng 5,49% về số vụ và tăng 6,74% về số bị cáo. Công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm; chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, tạo điều kiện và bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Hình phạt Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo tính nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi và nhân thân của người phạm tội; việc áp dụng hình phạt tù cho bị cáo hưởng án treo được xem xét, cân nhắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Công tác giải quyết các vụ, việc dân sự có sự chuyển biến so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự sơ thẩm tăng 13,7%, án phúc thẩm tăng 16,99%; công tác hòa giải trong các vụ án dân sự tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, đã hòa giải thành theo tố tụng được 2.574 vụ, việc, đạt tỷ lệ 54,3%, góp phần củng cố mối đoàn kết trong Nhân dân.
Quang cảnh Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, HĐND tỉnh khóa VIII
TAND hai cấp đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Số lượng phiên tòa trực tuyến được tổ chức vượt chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2022, TAND hai cấp vẫn còn 33 vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, chiếm 0,3% số án giải quyết. Tuy tỷ lệ án hủy, sửa thấp hơn quy định chung (1,5%) của Tòa án nhân dân tối cao nhưng Tòa án cũng nhận đây là một hạn chế cần được khắc phục trong công tác năm 2023 của ngành Tòa án.
Báo cáo của TAND tỉnh cho thấy tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc trên tổng số thụ lý còn khá thấp, nhất là các vụ việc dân sự, hành chính. Công tác xét xử án hành chính tỷ lệ còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; tổng thụ lý án hành chính 186 vụ (sơ thẩm 183 vụ; phúc thẩm 03 vụ); đã giải quyết 97 vụ (sơ thẩm 95 vụ, phúc thẩm 2 vụ), đạt tỷ lệ 52,15%; một số vụ án đang tạm đình chỉ kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến người dân nhiều lần gửi đơn phản ánh, kiến nghị đến Thường trực HĐND tỉnh.
Tòa án nhân dân tỉnh cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong kết quả công tác năm 2022 của ngành Tòa án:
- Số lượng các vụ, việc phải thụ lý, giải quyết tăng, tính chất phức tạp, nhất là các vụ, việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, trong khi chỉ tiêu biên chế lại phải tinh giảm 10% theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao. Việc thực hiện tinh giản biên chế dẫn đến cơ cấu vị trí việc làm mất cân đối.
Đ/c Trần Huy Đức, Chánh án TAND tỉnh trình bày Báo cáo kết quả công tác năm 2022 tại Kỳ họp
- Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của các đương sự và một số cơ quan liên quan trong vụ, việc dân sự, hành chính theo yêu cầu của Tòa án còn chậm, chưa đầy đủ; nhiều vụ án đương sự thiếu hợp tác trong việc tống đạt văn bản tố tụng hoặc xem xét thẩm định tại chỗ; không chấp hành giấy triệu tập của Tòa án; một số bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cố tình vắng mặt tại phiên tòa hoặc xin hoãn phiên tòa vì lý do khách quan nhằm kéo dài quá trình giải quyết, xét xử vụ án.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy có nhiều cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu, số lượng và diện tích phòng xét xử chưa đáp ứng được theo yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu nhiệm vụ công tác hiện nay của Tòa án hai cấp trong tỉnh.
- Một số công chức có chức danh tư pháp còn chậm trong xử lý công việc.
Qua báo cáo, Lãnh đạo ngành Tòa án cũng đề ra các giải pháp để khắc phục hạn chế, thiếu sót nêu trên: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các vụ, việc; nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện có hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh.
KIM LOAN