Hai nhóm vấn đề đầu tiên được đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn là Tài nguyên và Môi trường, Công thương. Trong buổi sáng ngày 04/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khanh đăng đàn trả lời về các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Đại biểu Lê Đào An Xuân tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Lê Đào An Xuân cho biết, việc khai thác và bảo vệ nguồn nước ở lưu vực sông hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn trong việc bố trí các công trình phát triển kinh tế - xã hội dọc nguồn nước, dẫn đến ô nhiễm môi trường và khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng, giải pháp đột phá trong thời gian tới để phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông để đảm bảo tính bền vững nguồn nước?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Đào An Xuân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định: Vừa qua, Bộ đã trình Quốc hội xem xét Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trong đó có nhấn mạnh đến bảo vệ lưu vực sông. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập Đề án về bảo vệ lưu vực sông. Trong Đề án nhấn mạnh đến đảm bảo an ninh nguồn nước, trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc thành lập Tổ chức lưu vực sông phải hiệu quả, nên rất cần sự phối hợp của các địa phương… Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải là thành viên của Tổ chức lưu vực sông, với trách nhiệm chỉ đạo, điều hành địa phương đảm bảo an ninh nguồn nước, sử dụng nguồn nước có hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ, trong thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng rằng, những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này? Bên cạnh đó, giá bán của các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với giá bán buôn, gây bất ổn thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc cần nhận định vấn đề trên như thế nào và có cách xử lý thế nào? có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để vấn đề này?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương
Đồng thời, đại biểu đặt vấn đề tranh luận: với những hình thức thương mại điện tử như vậy, thì làm sao để quản lý về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; đồng thời, có nguy cơ hàng giả tràn lan, vậy Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường nhận định và xử lý vấn đề này như thế nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung, cũng như livestream bán hàng nói riêng, việc quản lý thực sự khó khăn. Theo ông, trách nhiệm quản lý không chỉ của ngành Công Thương, mà nó còn trách nhiệm của rất nhiều ngành.
Theo Bộ trưởng, vì hoạt động này "biến hóa khôn lường" nên các quy định pháp luật phải tiếp tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bởi đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới. Thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất mạnh và có quy mô thương mại là 21 tỉ USD, trong tương lai còn phát triển mạnh hơn. Do đó, cần sửa đổi các cơ chế, chính sách cho hoàn thiện.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị Bộ trưởng trình bày thêm về các giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương và làm thế nào để đảm bảo được tiêu chuẩn hàng hóa, đặc biệt là tiêu chuẩn về môi trường.
QUỐC THƯỜNG