
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Đào An Xuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: Việc sửa đổi ba dự thảo luật lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và hiệu quả quản lý nhà nước. Hội nghị là dịp để đại biểu Quốc hội tỉnh lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và cơ quan quản lý tại địa phương - những người trực tiếp chịu ảnh hưởng, am hiểu thực tiễn. Các ý kiến tại hội nghị sẽ là căn cứ quan trọng để hoàn thiện dự thảo luật theo hướng rõ ràng, phù hợp và khả thi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung.
Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị cần xây dựng chính sách thuế một cách cẩn trọng, đánh giá tác động cụ thể đến từng ngành nghề, đặc biệt là các ngành đặc thù như mía đường, bia, thuốc lá. Việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt nếu thực hiện quá nhanh và thiếu lộ trình hợp lý có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và tác động đến sản xuất nông nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động.
Trong ngành mía đường, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 30.000 ha mía, hơn 15.000 hộ nông dân trồng mía, chiếm khoảng 65% sản lượng mía đường cả nước. Việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có hàm lượng đường từ 5g/100ml trở lên sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ đường mía, khiến chuỗi giá trị ngành mía đường vốn đã gặp khó khăn do biến động chi phí đầu vào và chính sách thuế GTGT mới càng thêm áp lực. Doanh nghiệp kiến nghị không áp thuế TTĐB đối với sản phẩm sử dụng 100% đường mía, nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp trong nước. Nếu tiếp tục đánh thuế, cần áp mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp, góp phần định hướng tiêu dùng lành mạnh và phát triển bền vững.
Ông Trương Đình Cư - đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam kiến nghị không áp thuế TTĐB đối với sản phẩm sử dụng 100% đường mía nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước
Đối với ngành bia, đại diện Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung, Chi nhánh Phú Yên cho rằng lộ trình tăng thuế từ 80% vào năm 2026 lên đến 100% vào năm 2030 là quá gấp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí đầu vào leo thang, sức mua giảm sút và các quy định quản lý ngày càng siết chặt. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước, kích thích hàng lậu phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, thu nhập của người lao động và ngân sách địa phương. Doanh nghiệp đề xuất lùi thời điểm áp dụng mức thuế mới đến năm 2027 và xây dựng lộ trình tăng hợp lý hơn, mỗi đợt tăng khoảng 5%, để doanh nghiệp có thời gian thích ứng và điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp.
Ông Đặng Sanh Định - Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung, Chi nhánh Phú Yên
đề xuất điều chỉnh lộ trình tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia
Về lĩnh vực thuốc lá, đại diện Nhà máy Thuốc lá Khatoco Phú Yên kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất 75% hiện hành, đồng thời bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình ổn định, bắt đầu từ 2.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng dần lên 6.000 đồng/bao vào năm 2030. Mục tiêu của đề xuất là cân bằng giữa yêu cầu tăng thu ngân sách, kiểm soát buôn lậu và đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như việc làm của người lao động trong ngành.
Những lo ngại nêu trên cho thấy cần thiết phải có lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý, vừa đảm bảo mục tiêu điều tiết, vừa tạo dư địa phục hồi cho doanh nghiệp sau đại dịch và biến động kinh tế.
Các đại biểu đề xuất cần quy định trần thuế suất hợp lý và xây dựng lộ trình điều chỉnh rõ ràng, gắn với đánh giá tác động cụ thể, nhất là với các ngành đặc thù như đường, bia, thuốc lá. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh cho rằng, để chính sách thuế đạt hiệu quả, cần tăng cường kiểm tra thị trường, ngăn chặn gian lận thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực đường và thuốc lá. Chính sách thuế cần hài hòa giữa mục tiêu ngân sách, định hướng tiêu dùng và ổn định phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp kiến nghị bỏ từ “sửa đổi” trong tên Dự thảo do đây là văn bản thay thế toàn diện, không chỉ sửa đổi một phần; góp ý điều chỉnh lại bố cục một số điều khoản hiện sử dụng cấu trúc tiểu tiết như “b.1”, “b.2”… không phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, nhằm đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng và dễ áp dụng.
Góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu đề xuất cần quy định rõ thủ tục để các doanh nghiệp trong nước, dù không có Giấy chứng nhận đầu tư, vẫn được tiếp cận chính sách ưu đãi thuế, nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư và phù hợp thực tiễn.
Với khu vực hợp tác xã, hiện dự thảo chỉ ưu đãi thuế cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tại vùng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã nhỏ, doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm, hoạt động ở lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được thụ hưởng chính sách. Do đó, kiến nghị mở rộng đối tượng ưu đãi, áp dụng mức thuế suất 15% cho hợp tác xã có doanh thu dưới 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị lựa chọn phương án 1 tại khoản 4 Điều 7, quy định thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản phải kê khai riêng, không bù trừ với các hoạt động khác, nhằm tránh thất thu ngân sách. Đồng thời, đề xuất hoàn thiện kỹ thuật lập pháp tại điểm b khoản 1 Điều 9 để đảm bảo hình thức văn bản đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Tấn Thuần - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
phát biểu tại Hội nghị
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, một số đại biểu kiến nghị làm rõ một số khái niệm như “giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác”, “kê khai khống vốn điều lệ”, “cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp”, “chấm dứt hoạt động”... nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất với các luật liên quan. Về nghĩa vụ báo cáo, đề xuất quy định theo “ngày làm việc”, bổ sung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ khi thực hiện thủ tục điện tử, làm rõ trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước và có chế tài đối với hành vi không trung thực. Về hình thức, Sở Tư pháp đề nghị bỏ từ “sửa đổi” trong tên gọi luật, đồng thời điều chỉnh cách trình bày các chương và quy định về thuế suất cho đúng quy định pháp luật hiện hành.
Đồng chí Lê Đào An Xuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Đào An Xuân đánh giá cao tinh thần đóng góp nghiêm túc, trách nhiệm và thẳng thắn của các đại biểu. Những ý kiến góp ý sâu sát thực tiễn tại địa phương sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu đầy đủ, trung thực và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội sắp tới. Đồng chí cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan liên quan trong việc góp phần xây dựng chính sách pháp luật sát thực tiễn, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Phú Yên./.
Hiền Minh