Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về tư tưởng và phong cách dám nghĩ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn, dám hành động đổi mới, sáng tạo. Ở Người, đó là một đời dấn thân, tranh đấu và dâng hiến cho Nhân dân, cho Tổ quốc, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Phải khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, từ đó có hành động để hiện thực hoá nhiệm vụ cách mạng, hướng đến mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng đó là trách nhiệm, sứ mệnh, sự dấn thân, hi sinh cao cả trước hết là của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cách mạng tư cách phải chuẩn mực, phải thường xuyên rèn luyện, thực hành để thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: (1) Đối với mình không được tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, phải luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; (2) Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, khoan dung, độ lượng, không dối trá, lừa lọc; (3) Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, tức phải luôn để việc công lên trên, lên trước việc tư.
Thực hiện tốt định hướng của Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc tập trung “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, nhân dân đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy, động viên, khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên. Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
“về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” lần đầu tiên nêu ra một trong những nhiệm vụ quan trọng để
“Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ” là phải “bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Trong khi đó, chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, nhất là đối với việc giải quyết những vấn đề lớn, khó, phức tạp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Do đó, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14- KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận này chỉ rõ việc toàn Đảng từ Trung ương về đến cấp nhỏ nhất là chi bộ cơ sở đều có trách nhiệm tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo để động viên, kích hoạt, kích thích, dìu dắt, đồng hành với sự năng động, sáng tạo của cán bộ các cấp. Ở đâu có cán bộ dám nghĩ, dám làm thì ở đó có tổ chức đảng khuyến khích, đồng hành, nhằm hiện thực hóa những ý nghĩ, cách làm mới, khác biệt, khác lạ, vượt tầm... vì lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân và từng cơ quan, đơn vị. Hay nói cách khác, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị sẽ tạo mọi điều kiện cả về mặt tư duy, cơ chế, tổ chức, môi trường, phương tiện bảo đảm... giúp cán bộ dám nghĩ về sự sáng tạo, dám khởi tạo sáng tạo và hiện thực hóa sự sáng tạo đó. Đây là cơ sở quan trọng cho việc cụ thể hóa cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP gồm 5 chương và 24 điều, trong đó, quy định cụ thể về đối tượng, nguyên tắc áp dụng; trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo; chính sách khuyến khích và biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; trách nhiệm của cán bộ, cơ quan trong đề xuất và thực hiện đề xuất….
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cán bộ, đảng viên không dám nghĩ, dám làm, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đang có chiều hướng gia tăng, trở thành chủ đề tranh luận nóng khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội trong những phiên họp mới đây; hay ở một số địa phương hiện tượng này không còn mang tính cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng hoặc sợ vi phạm pháp luật. Căn bệnh sợ trách nhiệm đang khiến cho việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, của doanh nghiệp bị đình trệ; làm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.
Tình trạng trên là hệ lụy của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ không dám làm, không dám nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng nhằm che giấu dấu vết sai phạm. Ở một số cán bộ khác là những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, được đề bạt, bổ nhiệm nhờ thân quen, chạy chức, chạy quyền, không thể thực thi công việc được giao. Mặt khác, hiện nay cơ chế, chính sách vẫn có sự chồng chéo, chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp xu thế đổi mới và sáng tạo. Thực tế có không ít các việc lớn nhỏ, nếu cán bộ công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít so với các quy định hiện hành. Cán bộ, công chức đứng trước sự lựa chọn giữa không làm thì không sai với làm thì vi phạm quy định, vi phạm pháp luật, do đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu bản lĩnh, trí tuệ đã co cụm, cầu an, sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung.
Liên hệ thực tế tại Phòng Công tác HĐND: Trong những năm qua, đảng viên Phòng Công tác HĐND đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 29/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đảng viên Phòng Công tác HĐND luôn thể hiện vai trò nêu gương thông qua việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống và chức trách nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của chi bộ, cơ quan. Các đồng chí đảng viên, lãnh đạo phòng luôn gương mẫu xây dựng đoàn kết nội bộ trong phòng; công tâm, khách quan; hợp tác và giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống. Không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác. Lãnh đạo, đảng viên trong Phòng luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm sự phân công, giao nhiệm vụ của cấp trên; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Với sự nỗ lực trong công tác, đảng viên Phòng Công tác HĐND luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo giao, được lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao. Hàng năm, tất cả đảng viên của Phòng được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Có đồng chí được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bằng khen của Chánh Văn phòng; tập thể phòng 02 lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có lúc, có việc đảng viên Phòng Công tác HĐND chưa mạnh dạng đề xuất đổi mới sáng tạo trong công việc.
Từ cơ sở nêu trên, Phòng Công tác HĐND đề xuất một số giải pháp để khuyến khích, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian tới cụ thể như:
* Đối với Chi bộ Công tác HĐND
- Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan cần quan tâm, khích lệ tinh thần, niềm tin, tạo động lực để khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng phục vụ Nhân dân của đảng viên Chi bộ; hỗ trợ mọi nguồn lực và điều kiện thuận lợi để đảng viên Chi bộ triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
- Tạo điều kiện cho đảng viên Chi bộ học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ... quan tâm giúp đỡ, động viên cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành hàng năm, tránh nể nang, hình thức. Qua đó, nắm tình hình để phát hiện, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm. Chú trọng việc động viên, kịp thời khen thưởng đối với các đảng viên tiêu biểu, gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
* Đối với đảng viên Phòng Công tác HĐND
- Phân công việc rõ ràng, cụ thể và tận tình giúp đỡ, hướng dẫn đảng viên của phòng mình phát huy được năng lực, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
- Phát huy vai trò của lãnh đạo phòng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, đôn đảng viên xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ theo đúng thời gian và đảm bảo chất lượng.
- Từng đồng chí đảng viên phải giữ vững bản lĩnh chính trị, chủ động trong suy nghĩ và hành động; đổi mới tác phong, lề lối làm việc; đồng thời, tự soi, tự sửa bản thân trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ được giao; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tự học, tìm tòi, đầu tư nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực công tác; phát huy tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là những công việc khó, phức tạp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; có được đội ngũ cán bộ đủ đức lẫn tài, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là phúc của Nhân dân, mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng thành công. |