Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 20/10/2008 của Tỉnh uỷ Phú Yên về tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, giá cả nông sản không ổn định, nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh, đã ra sức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào sự ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp luôn được quan tâm đầu tư theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp và nông thôn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân giai đoạn 2009 -2013 đạt 4,7%/năm; năm 2014, tăng 2,3% (Kế hoạch 3,5-4%). Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch đúng hướng, giảm từ 31,3% năm 2008 xuống còn 23% năm 2014. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn tiếp tục được nâng cấp và xây dựng mới, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước… hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, phục vụ đời sống, cải thiện bộ mặt nông thôn. Đến tháng 12/2014, toàn tỉnh đã bê tông xi măng và bê tông nhựa được 1.471/2.675 km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ 55,00%; trong đó thực hiện theo Nghị quyết số 75/2013/NQ-HĐND, ngày 29/3/2013 của HĐND tỉnh về Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Phú Yên (giai đoạn 2013 - 2015) đã bê tông hóa 880km đường, với khối lượng xi măng hỗ trợ là 140.000 tấn. Tiếp tục duy trì và củng cố kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em vùng nông thôn, góp phần quan trọng nâng cao trình độ cho người dân ở nông thôn. Hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng mở rộng, hướng về cơ sở. Các thiết chế văn hóa - thể thao cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa - thể thao của nhân dân, tạo bước chuyển mới trong công tác chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hệ thống y tế nông thôn được quan tâm xây dựng, đảm bảo là tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu của nhân dân. Đến năm 2014, có 88/88 xã có trạm y tế, được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; trong đó có 53/88 Trạm đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 60,2%. Thu nhập bình quân của hộ ở nông thôn tăng từ 9,5 triệu đồng/người /năm (năm 2008) lên 11,94 triệu đồng (năm 2010); 17,20 triệu đồng (năm 2013) và năm 2014 đạt 23,172 triệu đồng/người, tăng 2,4 lần so năm 2008. Công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong 5 năm qua (2008-2013), bình quân mỗi năm có trên 8.000 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,46% năm 2011, còn 9,73% năm 2014, giảm 3,3% so năm 2013 và 9,73% so với năm 2011. Đến tháng 12/2014, có 01 xã đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (xã Bình Kiến - Tp Tuy Hòa); 01 xã đạt 17 tiêu chí (xã Hòa Quang Bắc, huyện. Phú Hòa); 04 xã đạt 16 tiêu chí; 02 xã đạt 15 tiêu chí; 23 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí; 51 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 06 xã đạt từ 3 đến 4 tiêu chí. Toàn tỉnh đạt bình quân 8,88 tiêu chí/xã, tăng 0,92 tiêu chí/xã so với năm 2013.
Tuy nhiên, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Phú Yên bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế, yếu kém nhất định, đó là: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch còn chậm; công nghiệp, ngành nghề dịch vụ nông thôn phát triển chưa mạnh và chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, cơ bản vẫn là thuần nông. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản phẩm còn thấp. Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn chậm. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tuy tăng trưởng khá, nhưng chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết và dịch bệnh. Việc cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản chưa được kiểm soát chặt chẽ. Công nghệ khai thác thủy sản vùng biển xa và bảo quản sản phẩm còn lạc hậu; công tác thông tin, dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, thuỷ sản còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kết cấu hạ tầng nông thôn tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản chưa tốt, còn tình trạng sản xuất không theo quy hoạch.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy: số 30-CTr/TU, ngày 20/10/2008 về tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; số 07-CTr/TU, ngày 24/6/2011 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011- 2015; số 08-CTr/TU, ngày 24/6/2011 về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, chúng ta cần tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng; lợi thế kinh tế của từng loại cây trồng, vật nuôi. Nâng cao tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và dịch vụ. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, bảo đảm hiệu quả, bền vững và an ninh lương thực.
Hai là, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Kiện toàn và nâng cao năng lực các Trung tâm giống và kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, thủy sản, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các Trại giống (Hòa An, Hòa Đồng); tăng cường hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (ở Xã Hòa Quang, huyện Phú Hòa). Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, công tác thú y (bao gồm thủy sản), bảo vệ thực vật, ứng dụng nhân rộng các mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đạt hiệu quả cao cho nông dân. Mỗi huyện xây dựng một mô hình điểm về sản xuất áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao; tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp.
Ba là, tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường, coi trọng và phát triển thị trường trong nước, tổ chức tốt việc tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân. Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; hình thành sự liên kết nông - công nghiệp - dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các Doanh nghiệp thương mại đưa hàng hóa thiết yếu về phục vụ nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ ở nông thôn, bao gồm dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống.
Bốn là, tập trung xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, đặc biệt là các ngành công nghiệp khai thác, thu hoạch, công nghiệp chế biến và các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống tại các địa phương. Chú trọng việc củng cố phát triển thành phần kinh tế tập thể, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.
Năm là, thực hiện tốt chính sách ruộng đất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổ chức triển khai Luật Đất đai năm 2013, thực hiện tốt các chính sách ruộng đất theo hướng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trên cơ sở sử dụng ruộng đất có hiệu quả. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; các cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thích hợp cho từng vùng nông thôn. Ưu tiên nâng cấp và xây dựng mới các hệ thống thủy lợi đồng bộ, củng cố hệ thống hồ đập, kè ven sông, ven biển; nâng cấp các hệ thống cảnh báo, chủ động phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường nước. Tiếp tục đầu tư phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn liên huyện, liên xã theo quy hoạch; bảo đảm có đường ôtô lán nhựa hoặc bê tông xi măng tới khu trung tâm các thôn, buôn. Tập trung đầu tư để hoàn thành cơ bản chương trình kiên cố hóa trường học và đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở y tế khám chữa bệnh từ huyện đến cơ sở theo hướng chuẩn hóa.
Sáu là, nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo. Tập trung giải quyết việc làm, có đề án thực hiện các chính sách trợ giúp thiết thực để đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn, đáp ứng cho yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện để lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, ổn định và tìm việc làm ngoài khu vực nông thôn, kể cả đi lao động ở nước ngoài. Tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là các vùng cộng đồng dân cư còn nhiều khó khăn; thực hiện tốt các chính sách tín dụng cho người nghèo từng bước vượt qua khó khăn, thoát nghèo và nâng cao mức sống một cách bền vững. Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào xây dựng làng xã văn hóa, giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Đảm bảo cho nguồn lực con người có điều kiện nâng cao trí lực và chất lượng sức lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn, đảm bảo cho nông thôn phát triển nhanh, bền vững trong môi trường xanh và sạch.
Bảy là, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy thành tích đạt được, đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, toàn dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân và Nhà nước cùng làm”, nhất là nguồn lực trong nhân dân gắn với việc triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đạt được các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.
Tám là, kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chính quyền các cấp phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các mặt; tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch các hoạt động đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nâng cao chất lượng và phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã để tạo nguồn tham gia lãnh đạo các HTX nông nghiệp trong thời gian tới.