Đầu bếp của Khách sạn Hùng Vương tham gia chế biến món ăn từ cá ngừ tại Hội thi
Năm 2024, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai nhiều chương trình, hoạt động để đẩy mạnh quảng bá, kích cầu, thu hút khách du lịch: Tổ chức Lễ Chào cờ đầu năm mới và các hoạt động chào đón những khách du lịch đầu tiên đến Mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) - Phú Yên năm 2024; Hội nghị hợp tác phát triển về văn hóa, thể thao và du lịch giữa tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại và du lịch Phú Yên năm 2024. Tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2024, Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản tại NovaWorld Phan Thiết (nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024). Tổ chức Đoàn công tác tỉnh Phú Yên cùng Đoàn của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tham gia Chương trình xúc tiến Điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 29 Hàn Quốc 2024.Triển khai hợp tác phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Phú Yên và Công ty cổ phần Tập đoàn Vietravel. Liên kết với các sản phẩm du lịch 06 tỉnh đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch (Bình Định - Đắc Lắc - Gia Lai - Quảng Ngãi - Kon Tum - Phú Yên); các doanh nghiệp du lịch đưa ra các gói sản phẩm du lịch với giá ưu đãi và chất lượng, góp phần thu hút lượng khách du lịch rất đông đến với Phú Yên.
Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên năm 2024 đạt 4.080.000 lượt, đạt 120% so với kế hoạch, tăng 27,5% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 30.020 lượt, đạt 150% so với kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú đạt 2.423.195 lượt, tăng 17,1% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 21.188 lượt, tăng 45,2% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 8.049,7 tỷ đồng, đạt 110,7% so với kế hoạch, tăng 63,6% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu lưu trú đạt 870,5 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ.
Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước hoàn thiện, đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách đến Phú Yên. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 480 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 01 khách sạn 5 sao, 01 khách sạn 4 sao, 05 khách sạn 3 sao, 04 khách sạn 2 sao, 30 khách sạn 1 sao, 80 khách sạn, 90 nhà nghỉ và 31 homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch; một số cơ sở lưu trú khác đang làm thủ tục đăng ký thẩm định công nhận loại hạng theo quy định. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 7.980 buồng, trong đó có khoảng 670 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 7.100 người, lao động gián tiếp khoảng 14.200 người.
Tuy nhiên, Công tác phát triển du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều khách quốc tế đến Phú Yên; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, hấp dẫn, thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng cao, du lịch thương hiệu để tạo lợi thế cạnh tranh. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh có phần chưa hiệu quả. Lượng khách du lịch có tăng so với cùng kỳ, nhưng so với các tỉnh trong khu vực thì du lịch Phú Yên khả năng cạnh tranh thấp, doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn nhỏ lẻ, cơ sở lưu trú cao cấp còn ít, chưa thu hút được thêm các dự án mới tạo động lực tăng trưởng.
Để phát triển du lịch Phú Yên chất lượng, bền vững, tạo nền tảng để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến 2030, cần tăng cường phát triển sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hóa ẩm thực. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, truyền thông điểm đến bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên các sự kiện lớn, uy tín. Nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch sẵn có; tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế du lịch địa phương để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới (du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sinh thái nông nghiệp), sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc trưng, độc đáo của tỉnh; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết để hình thành chuỗi giá trị du lịch, trong đó tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch Phú Yên; tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động kích cầu du lịch. Chuyển đổi số du lịch, trong đó tập trung triển khai nền tảng số phục vụ du lịch. Kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Hồng Nga