Tại buổi sáng ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 23, UBND tỉnh trình bày báo cáo đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch năm 2025.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh trình bày báo cáo
Theo đó, năm 2024 có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 03 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn), cụ thể như sau:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 đạt 6,17% (KH 7,5%).
(2) Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5.120 tỷ đồng, bằng 95% dự toán Trung ương và tỉnh giao, tăng 22% so với cùng kỳ (KH 5.389 tỷ đồng).
(3) Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 320 triệu USD, đạt 112,3% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ (KH 285 triệu USD).
(4) Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 21.800 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch, giảm 4,5% so với cùng kỳ (KH 24.500 tỷ đồng).
(5) Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 78% (KH 78%).
(6) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,02% (KH 78%).
(7) Giải quyết việc làm cho 27.050 lao động (KH 25.500 lao động).
(8) Tỷ lệ lao động tham gia BHXH/tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế là 20% (KH 20%).
(9) Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 0,85% (KH 0,85%)
(10) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,06% (KH 94,05%).
(11) Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi đạt dưới 22% (KH dưới 24%).
(12) Điều chỉnh mức sinh đạt + 0,05 điểm ‰ (KH + 0,05 điểm ‰).
(13) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5% (KH 47,5%).
(14) Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cơ bản đạt 100% (Trong đó, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đạt trên 60%).
(15) Tỷ lệ dân cư thành thị được cung cấp nước sạch đạt 94% (KH 94%).
(16) Tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100% (KH 100%).
(17) Tỷ lệ giao quân đạt 100% chỉ tiêu theo quy định.
Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cơ bản ổn định, có mặt phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới công nhận thêm 01 xã nông thôn mới (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh), 01 xã nông thôn mới sau khi sáp nhập (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 22% so cùng kỳ. Đôn đốc, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết nguồn vật liệu thi công các công trình thúc đẩy tiến độ các dự án/công trình. Đăng ký kinh doanh cho 390 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 2.664 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư luôn được chú trọng; tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn Hoà Phát nghiên cứu đề xuất đầu tư đối với 03 dự án tại Khu Công nghiệp Hoà Tâm, Cảng Bãi Gốc. Chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.219 tỷ đồng. Bàn giao 100% mặt bằng thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh cho các chủ đầu tư. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) của tỉnh. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Hỗ trợ 130 nhà ở (với số tiền là hơn 7 tỷ đồng) cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyển dụng số biên chế giáo viên đã được giao đúng quy định. Công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều nỗ lực, cố gắng; đang chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với các cơ quan Trung ương sớm hoàn tất các thủ tục về chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng và đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh bằng nguồn vốn ODA. Chỉ đạo huyện Sơn Hoà làm tốt công tác tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự năm 2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vẫn còn một số hạn chế đáng chú ý là: Tiến độ phục hồi của nền kinh tế tỉnh ở một số lĩnh vực còn chậm; một số chỉ tiêu quan trọng thực hiện không đạt kế hoạch đề ra. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp giải thể tăng so cùng kỳ. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều khách quốc tế đến Phú Yên. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế; chất lượng một số dịch vụ y tế còn thấp. Các đề tài ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn thấp. Cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tập trung một số giải pháp sau: (1) Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các ý kiến chỉ đạo, định hướng của trung ương và Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Khắc phục các tồn tại, hạn chế qua tổng kết các kết quả thực hiện; (2) Tập trung hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2026 - 2030, Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026 - 2030 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả thi và phù hợp với tình hình của địa phương; (3) Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào các loại cây trồng chính của tỉnh; thực hiện sắp xếp lại lồng bè nuôi trồng thủy sản theo Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản được duyệt. Thực hiện hiệu quả phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn, phòng cháy chữa cháy rừng và công tác chống khai thác IUU; (4) Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo kết luận thanh tra, kiểm tra để giải phóng các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển. Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công và trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; (5) Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040. Tập trung thực hiện các thủ tục để đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng và đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng vốn vay ODA;… Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi các Nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các Nhà đầu tư đang nghiên cứu đề xuất đầu tư tại khu vực Cảng Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm; (6) Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút đầu tư.
Ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 23 sẽ thảo luận tại Tổ và thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và ngân sách nhà nước năm 2024 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025;
Phương Tâm