Đồng chí Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc
Tham gia Đoàn Giám sát có các thành viên Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh và đại diện các cơ quan liên quan.
Theo báo cáo, đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, toàn tỉnh đã tiếp nhận 42.648 hồ sơ, trong đó: giải quyết 27.530 hồ sơ/9.344,311ha, còn lại 15.118 hồ sơ chưa giải quyết. Hồ sơ cấp đổi, cấp lại, đăng ký biến động thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 26.790 hồ sơ, trong đó: giải quyết 21.983 hồ sơ; còn lại 2.279 hồ sơ đang giải quyết tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; 2.528 hồ sơ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai kiểm tra, trả UBND cấp xã hoặc người sử dụng đất để bổ sung.
Tình hình tiếp nhận và xử lý đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cấp GCNQSDĐ: số đơn tiếp nhận là 163 đơn, đã giải quyết 161 đơn; 02 đơn đang trong quá trình thụ lý.
Nhìn chung, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế như tiến độ cấp Giấy chứng nhận lần đầu chưa đạt với Kế hoạch đề ra; công tác cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính tại UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chưa đầy đủ, thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Tòa án, Thi hành án, Công an thiếu chặt chẽ... ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân; bản đồ địa chính có biến động đất đai lớn, nhiều thửa đất phát sinh mới nhưng chưa được cập nhật chỉnh lý lên bản đồ địa chính; người sử dụng đất không đồng ý kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc kê khai thời điểm sử dụng đất không đúng thực tế gây khó khăn trong việc kiểm tra, giải quyết hồ sơ…
Đồng chí Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài nguyên môi trường trên phương diện quản lý. Đồng thời, đề nghị ngành tài nguyên môi trường tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn theo nhiệm vụ được giao; rà soát, phân loại những tồn tại, vướng mắc; tham mưu, đề xuất hướng giải quyết cụ thể; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp hồ sơ phức tạp kéo dài hoặc công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, đề nghị ngành chỉ đạo rà soát, xác minh cụ thể, tích cực chỉ đạo giải quyết, xử lý theo quy định. Đối với các kiến nghị, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ có tổng hợp trong báo cáo giám sát.
Phương Tâm